Festival Huế 2016: Thưởng thức “đại tiệc” chương trình mới đặc sắc

Ông Chế Công Chung, giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, lễ hội năm nay có nhiều hoạt động văn hóa mới mẻ nhằm khôi phục lại những giá trị truyền thống trước đây.

Festival Huế 2016: Thưởng thức “đại tiệc” chương trình mới đặc sắc

Festival Huế sẽ đem đến cho người dân và du khách bữa “đại tiệc” âm thanh sắc màu nhiều nước trên thế giới, cùng nhiều chương trình mới lạ

Thưa ông, Festival năm nay có những chương trình, sự kiện gì mới đặc sắc?

Học tập kinh nghiệm của một số Festival trên thế giới, trong đó có kinh nghiệm và công nghệ tổ chức của CH Pháp, Chương trình khung của Festival Huế bao giờ cũng có chương trình Khai mạc và Bế mạc cùng với chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật tiêu biểu trong nước và quốc tế, được tổ chức tại các chương trình IN và OFF. Tuy nhiên, các đoàn nghệ thuật được mời đến tham dự luôn thay đổi, nội dung các chương trình luôn mới, đặc biệt chương trình khai mạc và bế mạc luôn được dàn dựng mới, tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

Ông Chế Công Chung, Giám đốc Trung tâm Festival Huế

Ông Chế Công Chung, Giám đốc Trung tâm Festival Huế

Ngoài nội dung hoàn toàn mới trong chương trình khung, Festival Huế 2016 có chủ đề “710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế”, Ban tổ chức đã khai thác sâu đến Nghệ thuật truyền thống, bao gồm nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, đặc biệt là chương trình Lễ hội Quảng chiếu lần đầu tiên xuất hiện tại Festival Huế do Giáo hội Phật giáo VN Thùa Thiên Huế thực hiện. Chương trình Lễ hội Quảng chiếu bao gồm nhiều hoạt động phong phú, triểm lãm nghệ thuật di sản văn hóa cổ Phật giáo, ẩm thực chay, nghi lễ tâm linh và biểu diễn nghệ thuật.

– Chương trình Đêm Hoàng Cung được kế tục và bổ sung nhiều hoạt động mới phong phú đa dạng chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách.

– Chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế “Về miền Hương Ngự” nhằm tôn vinh nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật ca Huế mới được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia

– Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn do Gia đình Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tổ chức đúng vào dịp kỷ niêm 15 ngày mất của Nhạc sỹ, người con của quê hương.

– Chương trình Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” của các đoàn nghệ thuật từ nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Á – Mỹ La Tinh trên các đường phố trung tâm.

– Lễ tế giao

– Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố “Những vì sao rực sáng trong đêm tối” của đoàn nghệ thuật L’Homme Debout đến từ vùng Poitou-Charentes của CH Pháp

– Chương trình Áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” quy tụ các nhà thiết kế, người mẫu và ca sý hàng đầu tham gia biểu diễn.

– Chương trình Bế mạc

Ngoài ra, còn rất nhiều sự kiện, chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do các tổ chức và cá nhân đăng ký phối hợp với Ban tổ chức tham gia trong Festival 2016.

Trong thời gian diễn ra Festival Huế 2016, phiên họp đầu tiên Dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ La tinh FEALAC” được tổ chức tại Thành phố Huế.

Thông qua chương trình Festival Huế 2016, nghành du lịch Huế đặt kỳ vọng gì?

Phải khẳng định rằng Văn hóa và Du lịch có mối quan hệ hữu cơ khăng khít với nhau. Văn hóa là mục đích của du lịch, ngược lại du lịch nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa. Cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương Richard Enghenhart, từng nói: “Chương trình Festival Huế được tổ chức chính là sự minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi lại được các công trình kiến trúc của quá khứ cùng với việc sống lại các tryền thống văn hoá trước đây”. Di sản văn hóa Huế làm nền tảng cho Festival, ngược lại Festival làm cho di sản Huế đến được nhiều hơn với công chúng. Chúng tôi cũng khẳng định điều đó. Bởi lẽ, có rất nhiều câu chuyện văn hóa truyền thống được thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật và chuyển tải lên sân khấu của Festival Huế, như: Lễ tế Giao, lễ Truyền lô, Hành trình mở cõi, Huyền thoại sông Hương… Đây là cơ hội để thúc đẩy ngành du lịch phát triển; đồng thời là cơ hội để giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa đến với công chúng.

Nguồn kinh phí dự kiến phục vụ Festival được huy động từ nguồn nào?

Đây là một vấn đề lớn được đặt ra khá lâu, không thể sử dụng nguồn ngân sách để tổ chức các hoạt động lễ hội; vì vậy, xã hội hóa là con đường tất yếu để thực hiện các hoạt động tại Festival Huế. Chúng tôi đã thực hiện đa dạng các hình thức xã hội hóa:

– Vận động tài trợ, các doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động Festival, Ban Tổ chức Festival có trách nhiệm quảng bá thương hiệu, hình ảnh của các doanh nghiệp tại Festival.

– Các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến tham dự Festival tự vận động chi phí đi lại từ các quốc gia đến Huế, chi phí bồi dưỡng cho diễn viên, Ban Tổ chức chịu trách nhiệm ăn, đi lại và nơi biểu diễn tại Huế.

– Các tổ chức và cá nhân phối hợp cùng Ban Tổ chức thực hiện các hoạt động, trong đó Ban Tổ chức chỉ hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí.

– Ban Tổ chức thống nhất nội dung chương trình tham gia Festival và hỗ trợ cơ chế tìm kiếm nguồn tài trợ

– Các tổ chức và các nhân đăng ký tham gia vào các hoạt động Festival và tự chịu trách nhiệm về kinh phí, Ban Tổ chức kiểm duyệt chất lượng nội dung chương trình và thống nhất địa điểm tổ chức.

Xác định tính chất quan trọng của việc xã hội hóa các hoạt động lễ hội, đặc biệt là đối với Festival Huế 2016, Ban Tổ chức đã tập trung rất nhiều công sức cho việc này. Đến nay kết quả đạt được tương đối khả quan, vượt hơn so với các kỳ Festival trước đây.

Công tác tổ chức ngăn chặn những tệ nạn như chặt chém du khách, đảm bảo an ninh cho Festival?

Có thể nói đây là một trong những tệ nạn thường xẩy ra trong các mùa lễ hội, Ban Tổ chức đã yêu cầu ngành chức năng và các địa phương liên quan, thực hiện tăng cường công tác quản lý trên địa bàn và trong lĩnh vực ngành phụ trách, hạn chế tối đa tệ nạ này.

Xin cảm ơn ông!

 

NGUYỄN PHƯƠNG(thực hiện)

http://www.trithuccongluan.com.vn/

Có thể bạn quan tâm: