Xóa bỏ nỗi lo trên tuyến đường đèo Phước Tượng và Phú Gia

Kể từ khi 2 hầm đường bộ xuyên núi Phước Tượng và Phú Gia, thuộc địa phận huyện Phú Lộc được đưa vào sử dụng, đã chấm dứt tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) thường xảy ra trên 2 tuyến đèo này, đem lại sự bình yên cho cánh lái xe đường dài và hành khách khi đi xe lưu thông qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Những năm qua, sau khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng, nỗi lo vượt “Hải Vân quan” không còn ám ảnh cánh tài xế đường dài Bắc – Nam. Thế nhưng, tuyến QL1 qua đèo Phước Tượng và Phú Gia vẫn còn là nỗi sợ hãi của cánh tài xế đường dài khi cả 2 tuyến đường qua đèo này đều hẹp, dốc và quanh co, thường xảy ra TNGT.

Các tài xế chạy xe chạy tuyến Bắc – Nam cho biết, mặc dù đèo Phước Tượng chỉ dài 3,2km, có độ dốc 7% và đèo Phú Gia dài 2,3km, độ dốc 8%, nhưng có nhiều thời điểm, nhất là vào mùa mưa, họ phải điều khiển xe container, ôtô khách, xe tải… mất từ 1-2 tiếng đồng hồ mới cho xe vượt qua được đèo, đảm bảo an toàn giao thông. Ngược lại, chỉ cần sơ sảy là xảy ra TNGT nghiêm trọng. Hàng loạt vụ TNGT trên tuyến đường qua 2 đèo Phước Tượng và Phú Gia đã chứng minh điều đó.

Hầm đường bộ Phước Tượng được đưa vào sử dụng góp phần làm giảm TNGT.

Như vụ ôtô tải BKS 37C-080.37 do tài xế Đặng Văn Yên (25 tuổi, ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) chạy hướng Bắc-Nam, đến Km870+400 gần đỉnh đèo Phước Tượng, đã mất lái húc vào ôtô tải BKS 92H-1244 do tài xế Nguyễn Hữu Vinh đang đổ đèo, hồi giữa tháng 7 năm ngoái. Vụ TNGT khiến 3 xe ôtô tải mắc kẹt với nhau trên đỉnh đèo, gây ùn tắc giao thông hàng cây số trong nhiều giờ đồng hồ. Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phải vất vả điều tiết các phương tiện lưu thông, mới giải phóng tuyến đường qua đèo này.

Cuối tháng 11-2015, tại Km869+800 thuộc đoạn cua phía Bắc đèo Phước Tượng, xe đầu kéo BKS 75C- 002.56 kéo theo rơ moóc BKS 75R- 002.56, do tài xế Nguyễn Văn Quang (48 tuổi, trú phường Kim Long, TP Huế) điều khiển đổ đèo theo hướng Nam – Bắc, đã xảy ra va chạm với xe khách giường nằm BKS 51B-183.47, do tài xế Đỗ Chí Thắng (43 tuổi, trú huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), cầm lái chạy hướng ngược lại. Hậu quả, tài xế Thắng tử vong, 8 hành khách bị thương nặng…

Để hạn chế và giảm các vụ TNGT xảy ra trên 2 tuyến đèo nói trên, Bộ GTVT đồng ý cho xây dựng 2 hầm đường bộ xuyên núi Phước Tượng và Phú Gia. Trong đó, hầm Phước Tượng có chiều dài 375m; hầm Phú Gia dài 447m, cả 2 hầm đều rộng 12m có 2 làn xe cơ giới và có tuyến đường dẫn vào 2 hầm dài gần 6km được thiết kế với vận tốc 80km/h. Dự án do Công ty CP Phước Tượng-Phú Gia đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí 1.743 tỷ đồng.

Đến tháng 1-2016, 2 công trình hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia chính thức được đưa vào sử dụng. Đại úy Phan Bảo Trung, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhận định, cả hai tuyến đèo Phước Tượng và Phú Gia trên tuyến QL1 là những “điểm đen” về TNGT, bởi trên đèo có nhiều khúc cua gấp, cua tay áo, nếu tài xế xử lý tình huống không kịp thời chắc chắn sẽ xảy ra TNGT.

“Kể từ khi 2 hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã xóa bỏ nỗi lo, sự ám ảnh về tai nạn và cảnh ùn tắc giao thông đối với cánh lái xe đường dài; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh thành miền Trung, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đặc biệt, trong dịp Tết Bính Thân, lượng xe cộ lưu thông trên tuyến QL1 qua tỉnh Thừa Thiên – Huế tăng vọt, song nhờ các tuyến đường hầm xuyên núi Phước Tượng, Phú Gia đã hoàn thành, nên tình hình TTATGT luôn được đảm bảo…”, Đại úy Trung chia sẻ.

 

CAND

Có thể bạn quan tâm: